|
Hội ND các cấp đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các buổi tiếp dân, các cuộc họp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân (Ảnh minh họa) |
Đến hết năm 2016, 11/11 huyện, thị, thành phố; 139/151 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của cấp mình.
Từ đó ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo 81 của tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành phối hợp với Hội ND làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân thông qua thực hiện Đề án 01-1133/TTg về tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn và Đề án 02-1133/TTg nhằm tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp các ngành trong tỉnh đã tiếp 5.608 lượt/7.796 công dân đến trụ sở tiếp công dân và các cơ quan nhà nước trình bày trên 5.000 vụ việc.
Trong đó có hơn 90% vụ việc liên quan đến nông dân với các vụ khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ chiếm 72%. Hội ND các cấp đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các buổi tiếp dân, các cuộc họp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân do các cấp chính quyền và ngành chức năng tổ chức. Trong quá trình phối hợp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, các cán bộ Hội ND đã chủ động tham nhập các địa phương, cơ sở có vấn đề bức xúc, khiếu kiện để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến phản ánh, kiến nghị của bà con nông dân để từ đó có đề xuất kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng pháp luật đảm bảo lợi ích chính đáng và hợp pháp của nông dân.
Điển hình như vụ nông dân xã An Tường Đông, huyện Hoài ân có khiếu kiện về đất đai, quyền sử dụng đất; vụ nông dân huyện Vân Canh phản ứng về việc khai thác cát trên sông Hà Thanh; vụ nông dân huyện Sơn Tây khiếu nại về chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công ảnh hưởng đến việc làm và đới sống của nông dân; vụ ông Phan Văn Lộc và 127 hộ dân ở thôn 3 và thôn Thủ Thiên Hạ, xã Bình Nghi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thu hồi đất rẫy của bà con nhân dân chia cho gia đình cán bộ và người thân sử dụng nhằm trục lợi cá nhân, gây bất bình trong nhân dân.
Năm 2016, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 2.200 vụ việc và đã các cấp Hội phối hợp tổ chức hòa giải thành 1.733 vụ khiếu nại tố cáo đạt 78,77%. Đối với những vụ việc hòa giải không thành hoặc những vụ khiếu kiện phức tạp, các cấp Hội chủ động theo sát quá trình giải quyết của chính quyền địa phương, từ đó kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền để giải quyết.
Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, và kỹ năng hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ Hội ND các cấp, Hội ND các huyện, thị, thành phố đã phối hợp mở 7 lớp cho gần 700 cán bộ Hội là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND cấp xã, chi Hội trưởng, tổ trưởng nông dân, thành viên Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tổ hòa giải ở cơ sở về những nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hòa giải và những kỹ năng hòa giải.
Thực hiện kế hoạch số 68 về kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, Ban Chỉ đạo đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát tại 3 đơn vị cấp huyện và 6 đơn vị cấp xã thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát và thị xã An Nhơn.
Qua kiểm tra cho thấy các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, sự phối hợp giữa UBND các cấp, các ngành với Hội ND trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân trên địa bàn đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Nhờ việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại tố cáo các cấp Hội đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp ở địa phương.