|
Hội viên, nông dân đóng góp tham gia phản biện chính sách (ảnh minh họa) |
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phòng Công thương các huyện, thị, thành phố đã tổ chức tọa đàm phản biện đối với tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn được 10 cuộc có 30 đồng chí dự và 765 các bộ, hội viên, nông dân tham dự, có 65 ý kiến đề xuất xoay quanh lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng thời, triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri; các cấp Hội tuyên truyền bầu cử quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp tổ chức được 971 cuộc với 32.846 lượt đại biểu tham gia, có trên 750 ý kiến góp ý vào hàng chục dự thảo luật như: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), Luật giao thông (sửa đổi),...
Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2016, các cấp Hội đã tổ chức kiểm tra, giám sát công tác Hội và phong trào nông dân được 224 cuộc. Ban thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện, thành Hội và cơ sở Hội tổ chức tuyên truyền phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định được 112 cuộc có 2.724 lượt cán bộ, hội viên nông dân dự.
Hình thức tuyên truyền, phổ biến như: Tổ chức hội nghị triển khai tập huấn, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, qua báo, đài, tạp chí, tài liệu sinh hoạt Hội, qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hình thức khác thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm phù hợp với trình độ nhận thức của nông dân.
Ngoài ra, các cấp Hội tham gia hòa giải 1.471 vụ tranh chấp trong nội bộ nông dân chủ yếu là đất đai, tài sản, hôn nhân gia đình,... hòa giải thành 1.006 vụ, số còn lại chuyển về cơ quan chức năng giải quyết.
Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các Sở, Ban ngành tổ chức tuyên truyền phổ biến GDPL được 4.225 cuộc, có 145.634 lượt người dự, trong đó có 11.918 lượt hội viên, nông dân tham dự.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật liên quan thiết thực đến quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, nông dân, những vấn đề đã triển khai ở địa phương còn nhiều vướng mắc.
Trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền pháp luật bằng tiếng Khmer trên các chương trình của Đài phát thanh - Truyền hình, các trạm phát thanh giúp đồng bào nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, trong hội viên, nông dân nhất là người dân tộc khmer, giúp hội viên, nông dân tiếp cận và am hiểu pháp luật thuận lợi và hiệu quả.
Theo thống kê, có 90% hội viên, nông dân trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp là tuyên truyền viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền của Hội.
Ngoài ra, Tỉnh Hội còn xây dựng 02 mô hình điểm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý có 46 thành viên (ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè; ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành). Các mô hình điểm về phổ biến pháp luật, đã tổ chức các buổi phổ biến pháp luật cho hội viên nông dân lồng ghép vào các cuộc họp lệ, chi, tổ Hội, hội nghị tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho hội viên, nông dân nhận thức và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Việc tham gia giám sát, tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân là nhiệm vụ của các cấp Hội Nông dân. Đồng thời thông qua việc giám sát phản biện sẽ ngày một nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong việc xây dựng tổ chức Hội, phát huy quyền làm chủ, tăng cường sự đồng thuận của nông dân.