(KNTC) - Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, 10 năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ban hành trên 50 loại văn bản lãnh đạo, chỉ đạo Hội ND các cấp tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên; chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn thư trên địa bàn.
Hàng năm, Hội ND tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước từng năm; phối hợp với các Sở, ban ngành tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các văn bản luật mới chỉnh sửa, ban hành như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hòa giải, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm… Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 42.815 cuộc cho 2.335.857 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, phối hợp trợ giúp pháp lý cho 30.720 lượt hội viên, nông dân.
Các hình thức tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Hội nghị sơ kết, tổng kết; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử Hội ND tỉnh, qua các cuộc sinh hoạt chi hội, các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” trên địa bàn.
Đến nay, 106/106 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có tủ sách pháp luật, duy trì hoạt động của 11 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 550 thành viên, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các thành viên câu lạc bộ, tìm hiểu về các văn bản chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Hội ND các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 81 cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, tham dự các cuộc tiếp công dân cùng Ban tiếp công dân định kỳ hằng tháng theo quy chế phối hợp. Hội ND cấp cơ sở tham gia các tổ hòa giải và thường xuyên được kiện toàn theo quy định.
Từ năm 2018 đến nay, Hội ND tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động 11 mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên; xã Bình Lư, huyện Tam Đường; xã Mường So, Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; phường Quyết Thắng, Đông Phong, thành phố Lai Châu; thị trấn Than Uyên huyện Than Uyên; xã Vàng San - huyện Mương Tè; xã Phìn Hồ - huyện Sìn Hồ; thị trấn Nậm Nhùn, xã Mường Mô huyện Nậm Nhùn.
Các tổ hòa giải ở cơ sở trên toàn tỉnh được quan tâm, thường xuyên kiện toàn theo quy định. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được đẩy mạnh. Kết quả, các cấp Hội đã thực hiện hòa giải các vụ việc tranh chấp, khiến kiện phát sinh trên địa bàn với tổng số 6.328 vụ, trong đó hòa giải thành 6.146 vụ việc.
Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của hội viên nông dân trên địa bàn không có diễn biến phức tạp, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo ít, xảy ra chủ yếu là các kiến nghị, phản ánh của hội viên, nông dân. Các vụ việc chủ yếu liên quan đến chế độ, chính sách về đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân về tranh chấp đất đai, đồi rừng, hôn nhân và gia đình…