Hội ND Thanh Hóa: Phối hợp tổ chức trên 50 cuộc đối thoại
16:26 - 14/07/2023
(KNTC) - Sáu tháng đầu năm 2023, các cấp Hội phối hợp với các ban, ngành tổ chức 56 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với cán bộ, hội viên, nông dân.

(Ảnh minh họa)

Cùng với việc tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cấp Hội còn tham gia tiếp gần 1.008 lượt nông dân, nhận 22 đơn thư khiếu nại, tố cáo, liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, các chính sách xã hội; tham gia hòa giải thành 56 vụ việc mâu thuẫn góp phần hạn chế được tình trạng đơn thư vượt cấp, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Đồng thời, hướng dẫn các cấp Hội thành lập và duy trì 135 mô hình “Hội ND tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” cùng với mạng lưới Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. 

Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh chủ trì thực hiện 201 cuộc giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: Chính sách về chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; chính sách bảo hiểm y tế và chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các cấp Hội còn tham gia 506 cuộc giám sát do Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành chủ trì, nội dung giám sát chủ yếu về pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 04, 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, của địa phương hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, an sinh xã hội; các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau giám sát, các đoàn đã đề xuất kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật.

Thực hiện vai trò đại diện của nông dân tham gia xây dựng, quản lý nhà nước và xã hội, các cấp Hội tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, nông dân vào dự thảo các văn bản luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân như: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, bố trí tái định cư; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; quản lý vật tư nông nghiệp; phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các chính sách người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội. Các cấp Hội đề xuất, đóng góp 3.264 ý kiến với chính quyền các cấp để bổ sung, chỉnh sửa trước khi ban hành thực hiện. 

Có thể thấy, việc tham mưu, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, nông dân, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đem lại nhiều đề xuất, giải pháp tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. 

Hạnh Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp