|
Hội viên, nông dân giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước |
Một trong các Hội thảo góp phần ổn định tình hình phân bón, kiểm soát tốt hơn việc sản xuất, tiêu thụ phân bón giả tràn lan trên thị trường hiện nay như Hội thảo về “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” và phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý phân bón.
Qua Hội thảo, Hội ND đã kiến nghị Nhà nước thống nhất giao cho một bộ về quản lý phân bón, kiến nghị xử lý công ty phân bón Thuận Phong. Hay Hội thảo về “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập”, về “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” đã có nhiều ý kiến xác đáng trong xây dựng chính sách. Đại diện các ngành, tổ chức đã góp ý kiến phản biện bằng văn bản đối với 67 dự thảo Luật, Nghị định, thông tư hướng dẫn, chương trình, đề án....
Hội Nông dân các cấp ở địa phương tổ chức phản biện trực tiếp tại các hội nghị sinh hoạt Hội ở cơ sở và qua phiếu lấy ý kiến của các cơ quan chủ trì đối với 16.967 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân và trách nhiệm của Hội Nông dân.
Trong hoạt động giám sát, các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp tổ chức 6.892 cuộc giám sát việc thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân, tập trung vào những vấn đề có nhiều bức xúc trong sản xuất và đời sống của nông dân như: Chính sách về quản lý, đền bù, thu hồi đất đai và hỗ trợ tái định cư; việc thực hiện pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, pháp luật về bảo vệ môi trường ở nông thôn, hợp đồng tiêu thụ nông sản, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn; việc thu, chi các khoản đóng góp của nông dân trong xây dựng nông thôn mới…
Qua giám sát phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm và những vướng mắc, bất hợp lý trong những quy định của chính sách, pháp luật; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hội đã tham gia 14.746 đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì.
Qua giám sát việc thực thi pháp luật về phân bón, hàng năm, hội viên, nông dân đã phát hiện và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Nông nghiệp kiểm tra, phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ việc vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán phân bón.
Những hoạt động của Hội đã cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu để Đảng, Nhà nước có những biện pháp điều chỉnh hoặc thúc đẩy tiến độ thực hiện; được đông đảo hội viên và nông dân đồng tình, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, được các cấp uỷ, chính quyền và dư luận đánh giá cao.
Tuy công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội đã đạt được những kết quả bước đầu đáng kích lệ, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội chưa cao, chưa huy động đông đảo nông dân tham gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội. Việc phối hợp với các chủ thể giám sát, phản biện xã hội khác và tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chưa được phát huy mạnh mẽ nên việc giám sát, phản biện xã hội còn phiến diện, kém hiệu quả. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội thông qua phương tiện báo, tạp chí và dư luận xã hội của Hội chưa được làm thường xuyên và quan tâm đúng mức.
Việc giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội còn bị động, chưa góp phần ngăn chặn ngay từ đầu những hành vi vi phạm của các đối tượng, chưa chủ động xác định nội dung giám sát, phản biện, phần lớn khi vụ việc xảy ra, các cấp Hội mới vào cuộc do vậy hiệu quả chưa cao; nhiều kiến nghị của Hội còn mang tính sự vụ, vụ việc nhỏ lẻ; việc góp ý, phản biện các chủ trương, chính sách còn chung chung, hình thức, góp ý chủ yếu là câu chữ, chưa có tầm chiến lược; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện chưa được quan tâm.
Nhận thức của cán bộ Hội và thậm chí là của không ít cán bộ lãnh đạo Hội về chức năng, vai trò giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Hội chưa đầy đủ, nhiều nơi lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp; một số nơi làm hình thức, thụ động; chưa quan tâm tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của nông dân, do vậy khả năng phát hiện vấn đề, năng lực phản biện, tỏ rõ chính kiến đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền còn yếu kém hoặc thể hiện chưa rõ ràng.
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là giám sát không chế tài, ràng buộc trách nhiệm trong khi Nhà nước chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan được giám sát, phản biện xã hội phải giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chủ thể giám sát, phản biện xã hội nên khâu thực hiện sau giám sát chưa cao. Kinh phí bảo đảm chi cho các hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn rất hạn chế, nhất là đối với cấp huyện và cấp cơ sở. Do vậy, rất khó khăn cho công tác tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện.
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về công tác giám sát, phản biện xã hội và vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế, do vậy, chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị tham gia giám sát, phản biện đối với những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự ở địa phương, đơn vị…
Là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, việc phát huy vai trò làm chủ trong giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Hội và hội viên, nông dân là hết sức cần thiết, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém trong tổ chức thực hiện, những nội dung chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân.