(KNTC) Việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã đẩy mạnh triển khai nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới và xét công nhận nông thôn mới.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn, định hướng triển khai và đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hàng tháng, Hội đồng đã ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương về nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, Sở Tư pháp đã biên soạn, thu âm các quy định của pháp luật rồi chuyển tải về Ủy ban nhân dân cấp huyện để phát trên hệ thống loa truyền thanh của các đơn vị cấp xã.
Ngay sau khi Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3904/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 về kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và đề nghị các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiện toàn và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian tới. Cùng với đó, việc kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải luôn được quan tâm.
Đến nay toàn tỉnh có 1.348 tổ hoà giải với 9.006 tổ viên. Trong 06 tháng đầu năm 2018, các tổ hòa giải đã thụ lý 858 vụ việc, hòa giải thành 689 vụ việc, hòa giải không thành 131 vụ việc, số vụ việc chưa giải quyết xong là 56 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,3%.
Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác tủ sách pháp luật đã được thực hiện có nền nếp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.375 tủ sách pháp luật, trong đó, có 820 tủ sách ở xã, phường, thị trấn và 1.555 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bao gồm cả thư viện. Số lượng đầu sách của mỗi tủ sách từ 30 đến 700 cuốn (các thư viện từ 1.000 đến 40.000 cuốn). Tủ sách pháp luật đều được bổ sung từ 10 đến 3.000 cuốn/tủ/thư viện. Nhìn chung, các tủ sách đều có tương đối đầy đủ các loại tài liệu theo quy định Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tủ sách pháp luật đã được một số cơ quan, đơn vị thực hiện. Đối tượng khai thác chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Có thể nói, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào nền nếp, phù hợp với từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm. Để tiếp tục đạt được những kết quả tốt trong thời gian tới, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Các ngành, các cấp và các thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, của các ban chỉ đạo về phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục chỉ đạo, phổ biến, quán triệt các văn bản của trung ương, của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục tổ chức các hoạt động “Ngày pháp luật”, triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao hơn.