Hội Nông dân Đăk Nông tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên nông dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, ý thức trách nhiệm của nông dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các địa phương đã áp dụng, thực hiện quy chế dân chủ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo; nhiều chương trình, công trình đã huy động được nội lực trong dân. Nhân dân được bàn bạc, tự giác đóng và đầu tư 4,229 tỷ đồng (bằng tiền mặt, công lao động, vật liệu quy đổi) cho phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống. Công trình công cộng do dân đóng góp và giám sát thi công có chất lượng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, việc thực hiện quy chế dân chủ ở các xã, phường, thị trấn tiếp tục được triển khai thực hiện đi vào nề nếp, có chiều sâu trên cơ sở bám sát nội dung của Pháp lệnh 34 về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ được các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng quan tâm, thể hiện qua việc cấp ủy, HĐND, UBND đã đưa nội dung thực hiện quy chế dân chủ vào Nghị quyết, kế hoạch công tác; Ban chỉ đạo được quan tâm củng cố kiện toàn. Việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với công tác tự phê bình và phê bình từ trong nội bộ Ban chấp hành Đảng bộ, đảng viên các chi bộ, cán bộ công chức cấp xã, đã tạo được bước chuyển biến về nhận thức, quan điểm, lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống của hầu hết cán bộ ở cơ sở.
Những nội dung công khai để dân biết, dân bàn và quyết định trực tiếp; bàn, biểu quyết để các cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc và đầy đủ ở các xã, phường, thị trấn, góp phần củng cố chính quyền cơ sở từng bước vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, cụ thể: Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong năm nhân dân đóng góp được 4,229 tỷ đồng và 24.212 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa 355 km đường giao thông nông thôn.v.v..
Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn bám sát những quy định của Luật Thanh tra và Pháp lệnh 34 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa 11, vì vậy đã góp phần hạn chế được một số sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ cơ sở, góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội ngay từ thôn, buôn, bon, tổ dân phố.
Việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, bon, buôn, tổ dân phố, bình xét hộ gia đình văn hóa, bình xét hộ nghèo, quy định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng… đều được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để nhân dân làm quyết định trực tiếp và tổ chức bình xét; trong năm đã có 422 thôn, buôn, bon, tổ dân phố được công nhận văn hóa và có 74.294 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
Quyền giám sát của nhân dân được tôn trọng và phát huy, nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền, nhất là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc quản lý đất đai…, trong năm, các xã, thị trấn đã tiếp nhận 102 đơn khiếu nại, đã giải quyết xong; hòa giải thành 281 vụ việc.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân luôn được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh đã tiếp 909 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, trong đó cấp tỉnh tiếp 272 lượt, cấp huyện tiếp 637 lượt. Nhận được 978 đơn khiếu nại, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước 307 đơn, đã giải quyết được 301 đơn, đạt 98%. Riêng ngành Thanh tra đã giải quyết được 247/251 đơn khiếu nại, 54/56 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã khôi phục quyền lợi cho 22 người, kiến nghị xử lý hành chính đối với 12 người, đồng thời kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 141 triệu đồng, thu hồi cho tập thể, cá nhân gần 643 triệu đồng và 16.950m2 đất.
Qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cán bộ chính quyền có mối quan hệ với dân tốt hơn, việc mệnh lệnh, quan liêu giảm nhiều, thực hiện các quy định về quản lý nhà nước đi vào nề nếp, đúng pháp luật; công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho dân luôn được quan tâm, đến nay đã có 71/71 UBND xã, phường, thị trấn thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Từ đó cán bộ, hội viên nông dân ngày càng có ý thức hơn trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Động viên cán bộ, hội viên nông dân đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, tham gia tích cực vào tổ hòa giải, giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu Hội đồng dân nhân các cấp, đảng viên nơi cư trú.
Thu Hà