Đăk Lăk với kinh nghiệm vận động nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành PL
09:02 - 10/01/2013
Là một tỉnh trung tâm Tây Nguyên, dân số khoảng 1,78 triệu người với 44 dân tộc anh em, trong đó 80% cư dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 33% dân số. Do đó, các cấp HND tỉnh Đăk Lăk đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành PL, ổn định an ninh chính trị trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn.

Nhằm giúp nông dân các dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo” gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tự do tín ngưỡng, thực hiện đúng pháp luật, ngăn ngừa hạn chế tình hình khiếu kiện không đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. Hội Nông dân tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân học và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua nhiều kênh khác nhau như qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ, thông qua các nhóm tuyên truyền cá biệt, nói chuyện và giúp đỡ, qua các hội thi… Kết quả, trong 10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền được 67.100 buổi cho 505.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia (trong đó có có 11.500 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ở các chi Hội có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo với 178.000 lượt cán bộ, hội viên dự).

Nét mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là hàng năm vào ngày lễ trọng đại của tôn giáo, ngày lễ, ngày tết của đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp Hội đã chủ động phối hợp tốt với Mặt trận, các đoàn thể tổ chức thăm hỏi động viên hội viên, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số có đạo, thăm hỏi các gia đình gặp khó khăn, đau ốm, các gia đình hội viên có đạo tiêu biểu, tạo không khí cởi mở, gần gũi, đoàn kết và bình đẳng, thăm hỏi các chức sắc tôn giáo tạo ra sự gắn kết giữa chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể  và các Nhà thờ. Qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, khích lệ những hội viên có đạo tiêu biểu làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo, làm hạt nhân để tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành có liên quan mở được 101 lớp phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội cho trên 8.300 lượt cán bộ các cấp Hội; 30 lớp phòng chống tội phạm cho 3.010 lượt cán bộ, hội viên nông dân, 11 lớp tập huấn các luật mới ban hành và sửa đổi cho 965 lượt cán bộ, hội viên nông dân; 165 lớp tập huấn về công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ cho 8.600 lượt người. Phối hợp với các ngành như Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên môi trường tổ chức được 550 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý, phòng chống các loại tệ nạn xã hội cho 70.120 lượt cán bộ, hội viên. Tổ chức được 10 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật có 30.000 lượt hội viên tham gia. Tổ chức 2 cuộc thi sân khấu không chuyên về Tìm hiểu Luật giao thông đường bộ, 2 cuộc thi tìm hiểu về luật Hôn nhân gia đình, 15 cuộc thi “Tìm hiểu về luật đất đai năm 2003”; “Tìm hiểu bộ Luật dân sự năm 2005”; “Tìm hiểu pháp luật xã hội và luật lao động”.... Thông qua các hội thi, nhiều nội dung có liên quan đến những vướng mắc và nhu cầu tìm hiểu pháp của nông dân đã được đáp ứng, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân ngày càng được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật ngày càng tốt hơn, tự nguyện giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân, ngoài ra nông dân còn tích cực chủ động hơn trong việc thực hiện tốt nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.

Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 3 mô hình thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân tại xã Ea Kuăng (huyện Krông Păk), xã CưM’gar (huyện CưM’gar), xã Pơng D’rang (huyện Krông Buk). Các huyện, thành, thị Hội xây dựng được 18 mô hình chỉ đạo điểm thực hiện Chỉ thị 26 ở cơ sở và 194 chi hội điểm về thực hiện Chỉ thị 26 (trong đó có 86 chi hội là đồng bào dân tộc thiểu số có đạo). Các chi hội điểm và các cơ sở điểm tập trung xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt các phong trào thi đua của Hội, đồng thời phối hợp thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị 26. Chính vì thế trong 10 năm qua, những đơn vị điểm, chi hội điểm đều là những đơn vị vững mạnh xuất sắc, thực hiện tốt các phong trào thi đua do Hội phát động và phối hợp thực hiện tốt công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị của hội viên, nông dân ngay từ cơ sở, không để nảy sinh các vụ việc phức tạp, hoặc đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cũng được đẩy mạnh, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Hiện nay Hội Nông dân tỉnh có 1 báo cáo viên tỉnh ủy, 2 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 15 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 184 tuyên truyền viên cơ sở và trên 200 cộng tác viên, đây là đội ngũ đắc lực phục vụ tốt cho công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân. 10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với  Trung tâm trợ giúp pháp lý, điểm trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp trợ giúp pháp lý cho trên 48.500 lượt hội viên, nông dân (trong đó 28.540 lượt hội viên là đồng bào các dân tộc thiểu số, 15.870 lượt hội viên là tín đồ tôn giáo). Nội dung chủ yếu trợ giúp về đề bù giải phóng mặt bằng, chuyển quyền sự dụng đất...

Để thuận lợi cho việc nắm bắt và tìm hiểu các quy định của pháp luật, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt kinh phí cũng như tài liệu pháp luật để các cấp Hội Nông dân trong tỉnh xây dựng các tủ sách, ngăn sách pháp luật. Đến nay tỉnh Hội, 15 huyện, thành, thị Hội, 184 cơ sở Hội và 300 chi Hội có tủ sách và ngăn sách pháp luật cần thiết, thuận tiện cho việc tham khảo tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hội viên, nông dân (mỗi tủ được trang bị từ 20- 30 đầu sách). Qua kiểm tra hàng năm hầu hết đều phát huy tác dụng rất hiệu quả đối với nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, hội viên, nông dân; giúp cho phần lớn nông dân hiểu được chính sách pháp luật cụ thể hơn, đầy đủ hơn qua đó hạn chế được những khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, tập trung giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 CLB với 720 thành viên và trên 160 hội viên tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của tỉnh. Đây là một hình thức sinh hoạt hết sức đa dạng và phong phú, vì thông qua sinh hoạt câu lạc bộ mà những vướng mắc của hội viên, nông dân về pháp luật đã được tháo gỡ, những vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nông dân được giải quyết nhanh chóng, giữ vững tình làng nghĩa xóm.

Qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo chấp hành PL, các cấp HND tỉnh Đăk Lăk  rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất là: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục tránh kiểu nơi nào có “điểm nóng” xảy ra thì mới vào cuộc. Phải biết tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo tại địa phương để tuyên truyền, vận động nông dân hiểu và chấp hành pháp luật.

Thứ hai là: Phải luôn bám sát cơ sở, gần gũi với nông dân, hiểu suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng, phong tục, tập quán, tâm lý, giáo lý của nông dân mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo thì việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân mới thực sự đạt kết quả, đồng thời phải kiên trì, nhẫn nại, khéo léo, linh hoạt, nhưng phải dứt khoát và có bản lĩnh vững vàng.

Thứ ba là: Cán bộ Hội khi tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo phải linh hoạt, năng động, sáng suốt ở từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng đối tượng, từng chi, tổ Hội, biết xác định những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong hội viên, nông dân để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp tốt với các ngành chức năng, mặt trận và các đoàn thể giải quyết thì ở đó công tác giải quyết khiếu nại tố cáo nông dân mới đạt hiệu quả cao.

Thứ tư là: Cần phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, hiểu biết về mọi mặt cho cán bộ Hội, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, các Luật mới ban hành, các chính sách đền bù giải tỏa... để cán bộ Hội nắm và giải thích cho nông dân hiểu, khi nông dân có yêu cầu, đáp ứng nguyện vọng của nông dân.

 

Đức Dũng

 

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp