Để góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành PL của cán bộ, hội viên, nông dân, HND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các cấp Hội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật cho nông dân, chú trọng nâng cao chất lượng các hình thức tuyên truyền, đảm bảo đưa các chính sách PL thiết thực đến được với mỗi người dân ở cơ sở.
Các cấp HND tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền sinh động và hiệu quả cả về chiều rộng lẫn chiều sâu: Tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ hòa giải ở ấp khóm, khu dân cư, xây dựng và phát hành tờ bướm, tờ rơi, phổ biến tài liệu pháp luật; Tổ chức mở lớp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật; Xây dựng một hình thức tuyên truyền mang tính thời sự nhanh chóng đến cán bộ, hội viên, nông dân hàng ngày, hàng tuần, đó là hình thức điểm đọc báo Nông thôn ngày nay (có 610 điểm/755 chi hội), giúp hội viên, nông dân tự tìm hiểu và nắm thông tin một cách nhanh chóng trên các lĩnh vực; Tổ chức Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” hàng năm nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền và kỹ năng xử lý các tình huống pháp luật gắn với thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở và đời sống lao động, sản xuất của nông dân. Đồng thời thông qua Hội thi dấy lên phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, nông dân sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Để khai thác, sử dụng có hiệu quả các hình thức tuyên truyền, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả 10 năm qua tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân trên 69.640 cuộc. Hội còn gắn với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân được 2.565 cuộc, có hơn 43.900 lượt người dự. Điều này cho thấy Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên, nông dân sâu rộng. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo…
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Từ mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật tại xã điểm đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo đến nay Hội Nông dân các cấp trong tỉnh nhân ra được 41 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, với 1.136 thành viên. Hoạt động của mô hình câu lạc bộ nông dân với pháp luật những năm qua phát huy tác dụng một cách có hiệu quả, giúp cho Hội Nông dân cơ sở thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội nông thôn. Đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nông dân. Phát huy tích cực của mọi giới, mọi ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến và thi hành pháp luật góp phần làm lành mạnh cuộc sống. Giúp hội viên, nông dân hình thành lòng tin pháp luật, ý thức tôn trọng tự giác chấp hành pháp luật. Đồng thời thông qua hoạt động câu lạc bộ còn trực tiếp nhận 11.753 vụ khiếu nại tố cáo, trong đó hòa giải thành 8.668 vụ, chuyển về trên 2.040 vụ (trong đó Ban Chủ nhiệm hòa giải thành 615 vụ, cộng tác viên câu lạc bộ hòa giải thành 3.408 vụ). Câu lạc bộ còn phối hợp với các ngành chức năng tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo 1.317 vụ, giải quyết thành 1.236 vụ, tiếp và đối thoại trực tiếp trên 2.931 lượt hội viên, nông dân.
Đặc biệt phối hợp tổ chức tiếp và đối thoại trực tiếp với nông dân để nghe nông dân trình bày tâm tư nguyện vọng, yêu cầu, kết quả tiếp 41.302 lượt nông dân, tiếp nhận gần 19.000 vụ khiếu nại, tố cáo, giúp cho hội viên, nông dân nhận thức đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng giảm khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người. Qua đó Hội tham gia giải quyết và đã khôi phục quyền và lợi ích cho nông dân tương đương 13 tỷ 205 triệu đồng, 74.300 tấn lúa, 40 ha đất ruộng, 5.027 m2 đất thổ cư, 572 hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng và nhiều chính sách khác, trong đó có thực hiện Chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng, nhiều gia đình có chồng, con hy sinh và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc nhưng chưa được công nhận, thì đã được xét công nhận, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của nhà nước. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo Hội có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, như Chính sách bồi hoàn giải phóng mặt bằng; Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất…, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đạt nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đức Trí