Năm 2012, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ Trung ương Hội, các cấp Hội nông dân tỉnh Đắc Nông đã tổ chức tuyên truyền Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Năm 2012, tiếp tục công tác tham gia thực hiện pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Hội Nông dân Tỉnh Đắc Nông đã chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hướng dẫn Hội Nông dân các cấp căn cứ vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của đơn vị mình
Hội Nông dân các cấp tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên thưc hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên nông dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, ý thức trách nhiệm của nông dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó cán bộ, hội viên nông dân ngày càng có ý thức hơn trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Động viên cán bộ, hội viên nông dân đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, tham gia tích cực vào tổ hòa giải, giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu Hội đồng dân nhân các cấp, đảng viên nơi cư trú.
Thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các địa phương đã áp dụng, thực hiện quy chế dân chủ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, nhiều chương trình, công trình đã huy động được nội lực trong dân. Người dân được bàn bạc, tự giác đóng và đầu tư 4,229 tỷ đồng (bằng tiền mặt, công lao động, vật liệu) cho phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống. Công trình công cộng do dân đóng góp và giám sát thi công có chất lượng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
Những nội dung công khai để dân biết, dân bàn và quyết định trực tiếp; bàn, biểu quyết để các cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc và đầy đủ ở các xã, phường, thị trấn, góp phần củng cố chính quyền cơ sở từng bước vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, cụ thể: Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong năm nhân dân đóng góp được 4,229 tỷ đồng và 24.212 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa 355 km đường giao thông nông thôn.v.v..
Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn bám sát những quy định của Luật Thanh tra và Pháp lệnh 34 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa 11, vì vậy đã góp phần hạn chế được một số sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ cơ sở, góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội ngay từ thôn, buôn, bon, tổ dân phố.
Việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, bon, buôn, tổ dân phố, bình xét hộ gia đình văn hóa, bình xét hộ nghèo, quy định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng… đều được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để nhân dân làm quyết định trực tiếp và tổ chức bình xét; trong năm đã có 422 thôn, buôn, bon, tổ dân được công nhận văn hóa và có 74.294 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
Quyền giám sát của nhân dân được tôn trọng và phát huy, nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền, nhất là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc quản lý đất đai…, trong năm, các xã, thị trấn đã tiếp nhận 102 đơn khiếu nại, đã giải quyết xong; hòa giải thành 281 vụ việc.
Qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò của Hội Nông dân các cấp tiếp tục được phát huy trong công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế dân chủ ở cơ sở trong cán bộ, hội viên nông dân; đa số cán bộ, hội viên nông dân tự ý thức được quyền làm chủ của mình và góp phần vào việc xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là cụ thể hóa phương châm của Đảng: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giải quyết những công việc thiết thực ở cơ sở, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc than gia giám sát quản lý kinh tế- xã hội, tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn trong dân cư, góp phần ổn định chính trị ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch,vững mạnh.
Minh Thảo