Kiên Giang: Xây dựng 170 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”
16:07 - 21/08/2024
(KNTC) - Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, 10 năm qua (2014 - 2024), các cấp Hội tích cực quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên, nông dân.

Ảnh minh hoạ

Các cấp Hội tổ chức 172 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo với 11.647 người tham gia, phát hành 5.835 tài liệu, ấn phẩm để tuyên truyền miễn phí cho cán bộ, hội viên, nông dân. Hình thức tuyên truyền, phổ biến được lồng ghép thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi, tổ Hội, thông qua các bài viết trên trang thông tin điện tử Hội, thông qua các buổi làm việc trực tiếp đối với tổ chức, công dân liên quan đến giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

Các cấp Hội xây dựng 170 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 2.362 thành viên ở 140 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, xây dựng 212 tủ sách cấp cơ sở, 15 tủ sách cấp huyện, thành phố, có 200 cộng tác viên tuyên truyền pháp luật, đã được tập huấn các kỹ năng tuyên truyền pháp luật, hòa giải, điều hành hoạt động Câu lạc bộ, tích cực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nông dân.

Hội ND các cấp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 8.168 cuộc tiếp công dân theo quy định, với 14.574 lượt người. Nội dung chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực tranh chấp đất đai; khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ trong các dự án; phản ánh hành vi rào bao chiếm đường đi chung; tình trạng lấn chiếm đất đai giữa các hộ sử dụng đất và lấn chiếm đất công…

Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tính chất phức tạp, kéo dài liên quan đến quyền, lợi ích của nông dân thì Hội ND các cấp phối hợp với các ngành liên quan cùng tham gia đối thoại trực tiếp với nông dân. Thông qua đối thoại giúp cho người dân hiểu hơn về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước khi thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; từ đó góp phần giảm thiểu những bức xúc cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Công tác hoà giải tại cơ sở được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội thường xuyên tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này để họ có đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp hoà giải và tư vấn pháp luật cho các đối tượng ngay tại cơ sở khi các mâu thuẫn mới hình thành. Toàn tỉnh hiện có 953 tổ hòa giải ở cơ sở, với 6.032 hòa giải viên, trong đó 927 tổ hoà giải có thành viên Hội ND tham gia.

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội, nhất là những người trực tiếp tham gia tiếp dân, giải quyết hoà giải các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, coi trọng công tác hoà giải trong nội bộ hội viên, nông dân; chủ động phối hợp các đoàn thể làm tốt công tác hoà giải, duy trì có hiệu quả mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Hoài An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp