Hội NDVN: Tổ chức 22.090 buổi phổ biến, giáo dục pháp luật
17:43 - 22/07/2024
(KNTC)- Năm 2024, Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành các kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn Hội ND các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; các tỉnh, thành, huyện, thị và cơ sở Hội thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.

ảnh minh họa
Sáu tháng đầu năm, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức 22.090 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 1.195.230 lượt hội viên, nông dân bằng các hình thức phong phú, thiết thực như: Sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật và các loại hình câu lạc bộ của Hội, tổ chức tập huấn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua hoạt động tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, qua các hoạt động Hội và phong trào nông dân… đã thu hút được đông đảo nông dân và đồng bào dân tộc tham gia, tạo nên hiệu quả tuyên truyền cao. Nội dung tuyên truyền được lựa chọn là những chính sách pháp luật có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với đối tượng nông dân và nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương.

Trung ương Hội tuyên truyền pháp luật chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân” trên Tạp chí Nông thôn mới và trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam; tổ chức tư vấn, giải đáp chính sách pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân trên Chuyên mục tư vấn pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Hội Nông dân Việt Nam được trên 100 câu hỏi về chế độ, chính sách, pháp luật và các quy định, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Hội Nông dân các cấp; phối hợp thực hiện tư vấn pháp luật, giải đáp chính sách pháp luật trên Báo Nông thôn Ngày nay; tư vấn qua chuyên mục “Tư vấn pháp luật” trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam; xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức 06 cuộc tư vấn pháp luật lưu động cho hội viên, nông dân tỉnh Hưng Yên.

Thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ, Hội ND các cấp tiếp tục xây dựng và duy trì mô hình điểm “Hội ND tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, những địa bàn nổi cộm về tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo có khiếu kiện phức tạp; xây dựng và duy trì Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật.

Các cấp Hội cử cán bộ tham gia tổ hoà giải ở cơ sở, tăng cường số lượng hoà giải viên là cán bộ chi, tổ Hội, hoặc các thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại các thôn, ấp, bản, làng. Đội ngũ hoà giải viên thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, có đủ kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp hoà giải và tư vấn pháp luật cho các đối tượng ngay tại cơ sở khi các mâu thuẫn mới hình thành, tránh phát sinh thành khiếu kiện.

Hội ND các cấp tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp và các sở, ngành chức năng tham gia tiếp 6.270 lượt công dân; thực hiện giải quyết và phối hợp giải quyết 8.941 vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân; tham gia hòa giải 4.116 vụ việc mâu thuẫn tại nông thôn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư nông thôn.

Trung ương Hội đã phối hợp với Hội ND tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại 09 xã. Các mô hình triển khai đã xây dựng và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; tập huấn tuyên truyền nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thành viên các Câu lạc bộ, tuyên truyền viên nòng cốt; tập huấn cho hội viên, nông dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo; tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương; tham gia thực hiện và giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội...

Sáu tháng đầu năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp với địa bàn, đối tượng; cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho hội viên, nông dân, hộ nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân trên cả nước, ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết ở nông thôn, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
 

Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp