|
Hội tích cực phối hợp thực hiện công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân (Ảnh minh họa) |
Hội ND tỉnh tổ chức giám sát trực tiếp 02 huyện về việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021; tham gia tiếp 185 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 62 đơn thư gửi tới Hội, phối hợp tiếp nhận, giải quyết 70 đơn thư khiếu nại, phản ánh, tố cáo; tham gia hòa giải 199 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nông dân về đất đai, nước sinh hoạt, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, quan hệ dân sự.
Các cấp Hội tổ chức 04 lớp tập huấn về nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội và thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg cho 400 cán bộ, hội viên nông dân.
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đông đảo hội viên. Qua đó đã tư vấn, giải đáp nhiều vướng mắc và cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý miễn phí cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 314 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 20.105 lượt hội viên, nông dân.
Nội dung tư vấn, trợ giúp pháp lý chủ yếu thuộc các lĩnh vực pháp luật về khiếu nại; tố cáo; Luật tiếp công dân, Hôn nhân gia đình; phòng chống bạo lực gia đình; Luật đất đai; Luật môi trường; Luật an toàn giao thông; một số Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật tạo điều kiện cho nông dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương.
Cán bộ Hội tham gia vào các tổ hoà giải, thực hiện công tác dân vận tại địa phương, thành viên tổ hòa giải là các chi Hội trưởng, cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, am hiểu pháp luật, hiểu biết xã hội và có kỹ năng vận động giúp giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ, giữ gìn truyền thống đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Các cấp Hội còn phối hợp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp như: Thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức “Sân khấu hóa” được hội viên, nông dân nhiệt tình hưởng ứng; tuyên truyền qua tờ rơi, tờ gấp pháp luật, pano, áp phích về các Luật; xây dựng các chuyên mục, phóng sự, tin bài về công tác tuyên truyền pháp luật phát trên Đài truyền hình, báo...
Các cấp Hội tổ chức được 1.421 cuộc kiểm tra tại 10 huyện, thành Hội, 146 cơ sở Hội và 1.000 chi Hội.
Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, các cấp Hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân, đạt được nhiều kết quả nổi bật; kịp thời biểu dương, khuyến khích các đơn vị được kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy những ưu điểm.
Đồng thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các cấp Hội và hội viên, nông dân đề ra các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân.
Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp Hội đã giới thiệu 200 hội viên ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, 185 hội viên ưu tú được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã khuyến khích cán bộ, hội viên, nông dân tham gia góp ý vào các dự thảo về chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước và địa phương.
Ngoài ra, Hội còn nghiên cứu, xem xét và góp ý vào 177 dự thảo văn bản của tỉnh và các sở, ngành.
Các cấp Hội tham mưu phối hợp tổ chức 27 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và quản lí khoáng sản.
Qua công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhận thức pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt, giảm thiểu khiếu kiện đông người, vượt cấp góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước của Hội và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa bàn.