Hoà Bình: Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
12:23 - 05/08/2021
(KNTC)- Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hoà Bình vừa ban hành Kết luận về tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TU, ngày 04/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp Hội Nông dân phát huy vai trò nòng cốt trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên nông dân

Theo đó, Hội Nông dân các cấp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên vào tổ chức. Chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; sâu sát cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương để xây dựng và triển khai nhiệm vụ công tác; luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
 
 Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn có những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 19-KL/TU trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt một số nội dung như:  Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng về vị trí, vai trò đối với Hội Nông dân.

 
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân và hội viên, nông dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp Hội Nông dân phát huy vai trò nòng cốt trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 
Người đứng đầu cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo hoạt động của Hội Nông dân các cấp; định kỳ tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nông dân theo Quy chế số 07-QC/TU, ngày 27/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quan tâm sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận,... của Đảng, nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kịp thời đưa ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cấp Hội và phong trào nông dân phù hợp với tình hình mới.

 
 Chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở sở vật chất; tăng cường sự phối hợp với với Hội Nông dân trong thực hiện nhiệm vụ. Chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg, ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định trách nhiệm của các Bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả; Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

 
Tăng cường hơn nữa công tác phối, kết hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Hội Nông dân xây dựng và thực hiện quy định về cơ chế phối hợp để Hội Nông dân được trực tiếp tham gia ngay từ đầu trong việc xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 
Chỉ đạo xây dựng quy định về sử dụng ngân sách địa phương, cơ chế vận động để bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân; quan tâm đầu tư trụ sở, trang thiết bị và kinh phí cho Hội Nông dân hoạt động. Định kỳ làm việc với Hội Nông dân cùng cấp để tăng cường phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề bức xúc của cán bộ, hội viên, nông dân, những kiến nghị của Hội Nông dân các cấp.Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở.

 
Lãnh đạo Hội Nông dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh. Các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo Hội Nông dân đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung hướng về cơ sở với phương châm rõ người, rõ việc, có mục tiêu, phương thức thực hiện linh hoạt. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 
Thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiện toàn hệ thống tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở; phát huy tối đa vai trò của giai cấp nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tạo điều kiện, quan tâm về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong đời sống, sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, việc làm, trợ giúp nông dân. Tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cấp hội để làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

 
Hội Nông dân các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, sản xuất, việc làm của cán bộ, hội viên, nông dân, đề xuất các giải pháp, giải quyết những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân khắc phục khó khăn, tập trung tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút, đoàn kết hội viên. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội theo hướng đa dạng, phong phú, thiết thực.

 
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, trang bị những kỹ năng về tổ chức và hoạt động xã hội, kỹ năng, phương pháp vận động, tập hợp nông dân và các kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế nông nghiệp. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Ban Chấp hành các cấp, xây dựng kế hoạch quy hoạch nguồn cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, độ tuổi và có tính kế thừa.

 
Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 09/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Hòa Bình theo Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; chú trọng giám sát hoạt động quản lý nhà nước, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước…

 
Kết luận của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hoà Bình được phổ biến tới các chi bộ trong toàn tỉnh.
 
 

Ánh Vui
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp