Thanh Hóa: Nâng cao kỹ năng, nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện xã hội cho hơn 1.000 lượt hội viên, nông dân
5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền gần 1.200 buổi về Luật Trồng trọt, Luật chăn nuôi…Qua đó, giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức đúng, nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm tích cực tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội
Hội ND tỉnh đã phối hợp tổ chức 08 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giám sát và phản biện xã hội cho 1.050 lượt cán bộ Hội các cấp. Nội dung tập huấn tập trung vào các lĩnh vực giám sát quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. Qua đó đã giúp cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong tỉnh thống nhất về nhận thức và phương pháp, cách thức thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Từ đó thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân.
Ngoài ra, hàng năm các cấp Hội còn phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật được gần 300 lớp cho hơn 300.000 lượt người tham gia học tập. Phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín như Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông, Công ty phân bón Thần Nông… cung ứng phân bón chậm trả cho hội viên nông dân bình quân mỗi năm được trên 2000 tấn phân bón các loại qua đó, hỗ trợ nông dân sử dụng các vật tư nông nghiệp có thương hiệu, chất lượng, hiệu quả.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo Chương trình phối hợp số 17 của Trung ương và chương trình phối hợp số 30 của Tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện pháp luật về quản lý, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời xây dựng chương trình phối hợp với các ban, ngành cùng cấp với những nội dung thiết thực để triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội; chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội được nâng lên, nhất là đối với cấp huyện, việc xây dựng chương trình, nội dung giám sát đã đúng trọng tâm, trọng tâm và phù hợp hơn với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội các chương trình mục tiêu quốc gia, các mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là cấp cơ sở đối với việc thực hiện pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng ở địa bàn nông thôn.