Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân
10:42 - 06/09/2020
(KNTC) - Những năm qua, các cấp Hội vận dụng linh hoạt công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật (Ảnh minh họa)

 
Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các địa phương đã huy động người dân tham gia đóng góp tiền của, công sức làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trụ sở thôn, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa...


Hội ND phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác vận động quần chúng như: Dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị; chuyển đổi ngành, nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bảo vệ môi trường; Câu lạc bộ, tổ tự quản, khu dân cư tự quản... đã được triển khai nhân rộng; qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.


Các cấp Hội không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, tổ chức thăm hỏi từng hộ gia đình, tham gia phổ biến các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.


Qua đó, động viên đồng bào các dân tộc hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua của địa phương; tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.


Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện đưa pháp luật đến với cán bộ, hội viên, nông dân tại thôn, ấp, bản, làng qua các hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực như: Sinh hoạt chi, tổ Hội, tổ chức tập huấn, hội nghị tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết và thi sân khấu hóa, qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, qua sinh hoạt các Câu lạc bộ của Hội, các phong trào và hoạt động Hội…


Trung ương Hội phối hợp với các tỉnh, thành Hội xây dựng và duy trì hoạt động 79  mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; mô hình “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm”.


Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền pháp luật cho nông dân, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật: Sổ tay hỏi đáp các chính sách pháp luật thiết thực, bổ ích cho nông dân; tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật; băng đĩa tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật...


Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nông dân, các cấp Hội chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện, ở cơ sở với mạng lưới hơn 5000 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và hơn 150.000 thành viên, tuyên truyền viên pháp luật.


Hội còn thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Kết luận 120 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Pháp lệnh 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định 04 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp Hội đã tổ chức quán triệt, học tập nội dung các văn bản về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện QCDC cơ sở.


 Đồng thời tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân phát huy dân chủ trực tiếp, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thông qua các phong trào của Hội; giám sát, kiểm tra việc thực thi các chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; đảm bảo thực hiện công bằng, bình đẳng, chống các biểu hiện cửa quyền, quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.


Thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, hàng năm các cấp Hội xây dựng Kế hoạch tổ chức Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.


Các cấp Hội tổ chức tập huấn chuyên đề pháp luật, đặc biệt là tổ chức các buổi sinh hoạt pháp luật tại 2.679 mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” và 2.180 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với gần 56.482 thành viên là cán bộ, hội viên, nông dân tham gia.


Các mô hình điểm và Câu lạc bộ đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận đầy đủ và kịp thời hơn với chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chủ trương, chính sách mới của địa phương. 


Việc phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp Hội ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện thường xuyên.


 Trung ương Hội phổ biến pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Hội; Báo điện tử Dân Việt; Chuyên trang giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chuyên mục tư vấn pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Hội; Hội Nông dân cấp tỉnh xây dựng các Trang thông tin điện tử. Tại Cổng thông tin điện tử, các cấp Hội đã đưa tin, bài, các gương điển hình, các nội dung pháp luật mới, qua đó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân.

 

Nguyễn Bích
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp