Hội ND tỉnh Lâm Đồng: Phối hợp trợ giúp pháp lý cho trên 48.800 lượt cán bộ, hội viên, nông dân
(KNTC)- Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 2.612 cuộc trợ giúp pháp lý cho hơn 48.880 lượt người góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân.
Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, tập trung vào các nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình, chính sách đất đai, thu hồi giải phóng mặt bằng nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho nông dân, để từ đó nông dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật. Qua 5 năm, các cấp Hội đã tổ chức được 5.148 cuộc phổ biến pháp luật với 295.745 lượt người tham gia, tổ chức 35 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật có trên 3.600 người dự thi.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã thành lập và duy trì hoạt động 38 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” có 1.413 thành viên. Các Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt hàng tháng với nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình nông dân. Các thành viên của Câu lạc bộ là những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động hội viên nông dân không vi phạm pháp luật và bảo vệ an ninh trật tự tại khu dân cư. Thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, nhận thức của hội viên nông dân ngày càng được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật nâng lên rõ rệt. Phối hợp xây dựng mô hình tổ an ninh và tổ tự quản, tổ bảo vệ an ninh mùa vụ do dân cử dân nuôi. Qua đó góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được coi trọng, Tổ hòa giải ở các cấp đều có thành viên Hội Nông dân tham gia, mỗi tổ hòa giải có từ 5 -7 tổ viên. Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ các thành phần: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, già làng trưởng bản, Trưởng Ban Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và những người có uy tín, năng lực. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên tổ hòa giải còn có đại diện là người dân tộc thiểu số.
Các tổ hòa giải đã tích cực bám sát cơ sở, nắm tình hình và những mâu thuẫn phát sinh để kịp thời có biện pháp hòa giải hiệu quả ngay trong nội bộ. trong 5 năm, các cấp Hội đã tiếp nhận và tham gia hòa giải 4.725 vụ việc, mâu thuẫn đã hòa giải thành 3.406 vụ việc trong đó có 322 vụ việc do Hội chủ trì hòa giải. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Đi đôi với công tác hòa giải, các cấp Hội đã tích cực tham gia cùng Ủy ban nhân dân các cấp tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Trong 5 năm, các cấp Hội phối hợp tiếp dân được 3.427 buổi với sự tham gia của 6.399 lượt người; tiếp nhận 12.487 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có 1.409 đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết. Các vụ việc khiếu nại tập trung đông người tại một số địa phương được hướng dẫn, giải thích thấu đáo, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng được giải quyết, đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.
Nhờ tích cực phối hợp và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp các chủ trương, kế hoạch, các giải pháp thực hiện hiệu quả trong tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở. Qua đó đã tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, huy động được sức mạnh của nông dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần giữ vững ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.