Hội ND Bắc Ninh: Trợ giúp pháp lý cho trên 6.200 hội viên, nông dân
(KNTC) - Năm 2024, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát triển khai tới Hội ND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 8/8 Hội ND các huyện, thị xã, thành phố và 121/121 Hội ND cơ sở đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024, đạt 100%.
Đến nay, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức 756 cuộc kiểm tra, giám sát. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 16 cuộc, cấp huyện 123 cuộc và cấp cơ sở thực hiện 617 cuộc. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc: Thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân; triển khai Chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, ngân hàng CSXH; xây dựng, quản lý, sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân; việc thực hiện các chương trình, dự án do Hội trực tiếp quản lý...
Ảnh minh hoạ.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được các cấp Hội chú trọng thực hiện. Để trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết đơn thư trong các cấp Hội, hàng năm Hội ND tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác giải quyết đơn thư, kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện và 121 Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở.
Hội ND tỉnh đã thành lập được 19 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 794 thành viên ở 8 huyện, thị, thành phố, trong đó thành lập mới 01 Câu lạc bộ tại phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh với 45 thành viên.
Hội ND tỉnh tham gia tiếp công dân tại trụ sở Ban tiếp công dân của tỉnh 02 ngày/tháng (01 ngày tiếp cùng Thường trực HĐND tỉnh và 01 ngày tiếp cùng Chủ tịch UBND tỉnh); Hội ND cấp huyện và cơ sở tham gia tiếp công dân cùng chính quyền địa phương định kỳ theo quy định.
Trong năm, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp 06 lượt công dân tới gửi 06 đơn đề nghị các cấp Hội ND có ý kiến với ngành chức năng như: Tòa án nhân dân tỉnh; Cục thi hành án dân sự tỉnh; Liên đoàn lao động tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… giải quyết theo quy định trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân; phối hợp thực hiện hòa giải thành 75 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm.
Các cấp Hội tổ chức tư vấn pháp luật cho 12.063 lượt người; trợ giúp pháp lý cho 6.266 hội viên, nông dân; lồng ghép tổ chức tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân với hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên tham gia. Các cấp Hội đã thường xuyên vận động gia đình hội viên ký cam kết trong gia đình không người phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội; tổ chức những hoạt động cụ thể như tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, treo băng zôn, khẩu hiệu... để hưởng ứng "Ngày pháp luật".
Nhằm cung cấp tài liệu tuyên truyền đồng thời hỗ trợ các buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu pháp luật của hội viên, nông dân được thuận lợi, các cấp Hội đã khai thác 4.898 cuốn tài liệu, tờ rơi về Những điều cần biết về tội phạm buôn bán người, Di cư an toàn, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Luật đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quyền và trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội, Bản tin phổ biến giáo dục pháp luật... của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xuống cơ sở làm tài liệu tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh phát hành tài liệu hướng dẫn sinh hoạt hội viên, trong đó xây dựng trang phổ biến pháp luật, đã biên soạn các bộ câu hỏi tìm hiểu một số văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật an toàn thực phẩm... đưa vào tài liệu đồng thời đăng tài trên Website Hội ND tỉnh làm tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt cho cán bộ, hội viên.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.